Nhà ở phố nên không có đất để có một cái vườn theo đúng nghĩa. Vậy nên má không “trồng những cây dễ thương” như trong lời bài hát. Ngày còn trẻ, má đi làm ở xí nghiệp ngày một buổi sáng, chiều về lo cho một đàn con lít nhít tuổi trứng gà trứng vịt. Chị Oanh lớn nhất, tiếp tới anh Đạt, anh Tiến, tôi và em Trung. Năm chị em đứa đầu cách đứa út 8 tuổi.
Ba thì đi làm cả ngày. Sáng ra má dậy sớm nấu cơm cho cả nhà. Mấy chị em đứa học sáng thì ăn xong tự đến trường, đứa học chiều thì ở nhà. Sau khi ba xách cặp lồng cơm treo trên ghi đông xe đi làm, má dặn dò mấy đứa những việc thường ngày rồi cũng đi tới cơ quan.
Đó là thời bao cấp những năm 80 của thế kỷ trước. Thực ra so với đám trẻ hàng xóm, đời sống kinh tế của gia đình tôi tuy không khá giả nhưng cũng không đến nỗi quanh năm thiếu đói như mấy gia đình quanh xóm vì ba má đều làm nhà nước, có tem phiếu và có gạo do nhà nước cung cấp theo tiêu chuẩn.
Chúng tôi lớn lên.
Tôi lạc bước tới Sài Gòn ồn ào hối hả. Thỉnh thoảng có dịp về thăm nhà với nỗi luyến tiếc da diết một thời thơ ấu bình yên… Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, tóc ba đã nhuốm mà thời gian và lưng má đã còng theo năm tháng. Ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ năm xưa đã được thay bằng ngôi nhà 4 tầng khang trang. Công sức cả đời dành dụm của ba má và những nỗ lực của mọi thành viên trong gia đình. Từ ngày có ngôi nhà mới, mọi người không phải vất vả chống chọi với những cơn mưa vì nhà giột tứ tung, những ngày nắng nóng cũng phần nào không còn cảnh chật chội bức bối nữa.
Ba má đều đã ở tuổi nghỉ ngơi. Mỗi sáng ba tìm niềm vui, cũng là để giữ sức khỏe bằng việc đi bộ tập thể dục với những người bạn già ở đường Thanh Niên. Má thì vẫn dậy sớm lo toan nội trợ cho cả một đại gia đình. Ba đi tập thể dục về, ăn sáng xong thì leo lên tận sân thượng để tưới cây.
Vườn cây của ba
“Vườn cây của ba” vì ở trên cao nên không có sầu riêng, nhưng ba trồng một cây bưởi trong chậu lớn. Nó chưa bao giờ đơm trái nhưng hễ đến mùa là trổ bông thơm ngát. Ngoài cây bưởi lớn nhất, “vườn cây của ba” có thêm vài cây mai tôi mang từ Sài Gòn ra trong những dịp về ăn tết, một vài chậu hoa cảnh trổ bông theo mùa, cũng có cây trổ bông quanh năm. Nhưng đặc biệt hơn cả là ba trồng đủ các loại rau. Mùa nào thức nấy, những hộp xốp ba tận dụng trồng rau được xếp gọn gàng và mùa nào thức nấy xanh mướt các loại cải, dền, rau muống, rau ngót… thậm chí mùa hè còn có cả một giàn thiên lý thả bông như những chùm chuông nhỏ xíu trong bức hình thiệp Giáng sinh.
“Vườn cây của ba” là một điều rất kỳ diệu. Bởi dưới cái nắng chang chang của mùa hè nóng bức, hay trong cái rét căm căm của mùa đông Hà Nội thì cây cối vẫn tốt tươi. Những cây hoa vẫn trổ bông theo mùa, những cây mai vẫn trổ bông đúng dịp Tết, rau thì vài bữa ba lại hái được một nắm lớn cho má nấu canh… “Vườn cây của ba” không toàn những “cây xù sì cây lại có gai” mà bao gồm cả “những cây dễ thương” xanh mướt… Đó là một vườn cây kết hợp cả tình yêu thương ngọt ngào của má và sự bao dung mạnh mẽ của ba.
Từ Sài gòn xa lắc, thỉnh thoảng khi tôi ngồi ăn cơm trong không khí ấm áp giữa những đứa cháu, bất chợt cảm nhận vị ngọt của tô canh cháu Phong nấu, tôi nhớ tới “vườn cây của Ba” ở Hà Nội thấy lòng mình chùng xuống trong một niềm thương yêu ấm áp. “Vườn cây của ba” như một miền của nỗi nhớ trong những tháng năm xa nhà. Hương vị tô canh má nấu bằng những nắm rau trong “vườn cây của ba” theo tôi đi suốt những tháng ngày xa xứ, len lỏi vào trong cả những giấc mơ tuổi thơ ngọt ngào, trĩu nặng trong một chiều mưa ngồi trong quán cà phê ngắm mưa và nhớ nhà…
Dù mải miết đi suốt tháng năm và dọc theo chiều dài đất nước, dù đã thành một người đàn ông chững chạc và tóc đã điểm màu sương thì trong nỗi nhớ của tôi “vườn cây của ba” vẫn là một ký ức ngọt ngào cho tôi sức mạnh vững vàng trong cuộc sống. Bởi không chỉ đơn thuần đó là một vườn cây xanh mướt, nơi đó còn là biểu tượng của tình yêu thương và nơi gieo mầm của tình yêu thương mà ba vẫn hàng ngày chăm sóc, còn chúng tôi thì vẫn khao khát được cảm nhận tình yêu thương ấy, từ nơi trái tim…